Luật Hoàng Minh
Luật Hoàng Minh

Giải thể doanh nghiệp chưa hoạt động

09/09/2020admin0Bình luận

GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP CHƯA HOẠT ĐỘNG

 

Câu hỏi:

Công ty chúng tôi (TNHH hai thành viên trở lên) từ lúc thành lập (1/2020) và được cấp phép hoạt động tới giờ là 7 tháng, nhưng vì một số lý do nên công ty chưa hoạt động, công ty không nộp hoá đơn kê khai thuế hàng tháng và cũng chưa có văn bản gửi lên các cơ quan nhà nước để thông báo ngưng hoạt động. Hiện nay tôi đang muốn làm thủ tục giải thể công ty thì tôi cần thực hiện những thủ tục gì, và tôi phải chịu những mức phạt như thế nào đối với cơ quan thuế.

Hiện này công ty tôi gồm 3 thành viên góp vốn và thành viên nắm giữ 40% vốn góp là người đại diện pháp luật, người này đang bỏ trốn và trốn tránh trách nhiệm, người nắm giữ 30% còn lại bằng tôi đã đồng ý giải thể công ty. Cảm ơn luật sư đã tư vấn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Hoàng. Sau khi nghiên cứu chúng tôi trả lời như sau:

1. Điều kiện giải thể doanh nghiệp

Căn cứ Khoản 2 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện giải thế công ty như sau:

“2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”.

Như vậy, điều kiện để giải thế doanh nghiệp bao gồm:

- Thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản

- Tại thời điểm giải thể không có tranh chấp gì tại Tòa án hay cơ quan trọng tài

2. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp

Hồ sơ giải thể công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm:

  • Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp (Phụ lục II-24, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
  • Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc giải thể doanh nghiệp;
  • Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) hoặc giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế; Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp quy định tại Phụ lục II-18 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

3. Trình tự giải thể doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp thực hiện chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP).
  • Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp.
  • Hội đồng thành viên trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
  • Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có)
  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp
  • Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
  • Đối với doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu.

Cách thức thực hiện: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

4. Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên bỏ trốn thì có giải thể doanh nghiệp được không?

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 58 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thành viên như sau: 

“m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty”.

Như vậy, nếu công ty bạn muốn giải thể thì phải dựa trên quyết định của Hội đồng thành viên. 

Quyết định về giải thể công ty được thông qua theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014:

“Điều 60. Nghị quyết của Hội đồng thành viên

...

3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;”

Theo quy định trên thì trong trường hợp khi muốn giải thể doanh nghiệp, công ty bạn tiến hành triệu tập Hội đồng thành viên quyết định về vấn đề giải thể công ty, quyết định này phải được 65% tổng số vốn góp của các thành viên thông qua trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

 Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện người đại diện theo pháp luật của công ty bạn đang nắm giữ 40% vốn điều lệ, 2 thành viên còn lại chiếm 60% đồng ý giải thể. Do đó, nếu công ty bạn không có quy định khác về tỷ lệ % số phiếu tán thành của thành viên tham dự họp thì công ty bạn cần tìm cách liên hệ với thành viên còn lại để thống nhất cách giải quyết các vấn đề của công ty.

5. Các mức phạt khi chậm nộp hồ sơ khai thuế và báo cáo tài chính.

Theo khoản 2 và 3 điều 8 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp như sau:

“2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, kể từ ngày công ty của bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì dù công ty bạn chưa phát sinh hoạt động kinh doanh thì công ty bạn vẫn phải có nghĩa vụ nộp tờ khai và đóng thuế môn bài và nộp tờ khai các loại thuế khác theo đúng thời hạn pháp luật qui định.

Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi thành lập công ty bạn chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào với cơ quan thuế. Do đó, công ty bạn có thể bị xử phạt đối với các hành vi sau:

a, Xử phạt đối với hành vi nộp chậm tờ khai lệ phí môn bài

Theo Điều 7 thông tư 166/2013/TT-BTC quy định về xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Phạt tiền 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn quy định trên 30 ngày.

b) Không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

c) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.”

Công ty bạn cần xác định được thời hạn nộp tờ khai, để biết được số ngày chậm nộp Tờ khai thuế. Số ngày chậm nộp sẽ được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai để đối chiếu với qui định trên để xác định được mức phạt mà công ty bạn phải nộp cho cơ quan thuế.

Mức phạt nộp chậm tiền thuế được tính như sau:

Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Cụ thể:

Số tiền phạt = Số tiền nộp chậm x 0,03 x Số ngày nộp chậm.

(Thông tư 130/2016/TT-BTC)

b, Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP  qui định về mức xử phạt vi phạm báo cáo về tài chính như sau:

+ Mức phạt không nộp báo cáo tài chính

Theo Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP 

“Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định”

+ Mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính

Theo khoản 1 và 2 Điều 12 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP :

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;

b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;

b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;

c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;

d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;

đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định”.

 

Nếu bạn vẫn còn vướng mắc một trong những vấn đề nêu trên hãy gọi ngay tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 1900 088 826  để các Luật sư tư vấn hỗ trợ giải quyết.

(Trân trọng!) Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật Minh Hoàng.

 

Đánh giá:

(5/5) - 5 lượt đánh giá

Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?

DANH MỤC
BÀI VIẾT NỔI BẬT
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang trực tuyến: 2

Hôm nay: 229

Hôm qua: 426

Tất cả: 270008