Luật Hoàng Minh
Luật Hoàng Minh

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

05/08/2020admin0Bình luận

                      Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Tổ chức tín dụng do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với khách hàng

Thông tư 39 với tư cách là văn bản luật chuyên ngành chưa đưa ra chế tài trong trường hợp TCTD vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trên hợp đồng, thì với tư cách là luật chung, hoàn toàn có thể áp dụng các quy định có liên quan của BLDS 2015 để điều chỉnh.

Hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng của TCTD là hành vi vi phạm xảy ra khi hợp đồng chưa hình thành hợp pháp, do đó, nếu có thiệt hại xảy ra do việc không cung cấp thông tin, không thể áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ tại Điều 360 BLDS 2015 mà phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo các quy định tại Mục 1 Chương XX của BLDS năm 2015.

Do đó, phạm vi thiệt hại được bồi thường là những thiệt hại thực tế (Khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015) mà không bao gồm những lợi ích có thể đạt được nếu hợp đồng được giao kết, kể cả việc mất cơ hội để thu được lợi nhuận dự kiến. Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này là có hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng, có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng và thiệt hại thực tế.

Tuy nhiên, khi TCTD vi phạm nghĩa vụ thông tin trong giai đoạn giao kết, có thể dẫn đến hai trường hợp: 

Thứ nhất, các bên chấm dứt giai đoạn giao kết và HĐTD không được hình thành. Trong một số trường hợp, việc không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán hợp đồng trên có thể dẫn đến hợp đồng không được giao kết; ví dụ: một bên đã đàm phán với bên kia trong một thời gian dài, sau đó mới tình cờ nhận ra có một thông tin mà lẽ ra mình phải được cung cấp ví dụ như thông tin về có quyền từ chối giao kết hợp đồng và yêu cầu bồi  thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông tin. Thiệt hại có thể là chi phí giao dịch (đã phải bỏ ra) vô ích, mất cơ hội để giao kết hợp đồng với một bên khác... nhưng không bao gồm những lợi ích có thể đạt được nếu hợp đồng được giao kết, kể cả việc mất cơ hội để thu được lợi nhuận dự kiến. Để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với TCTD, khách hàng cần chứng minh được thiệt hại thực tế, hành vi không cung cấp thông tin của bên kia, và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi không cung cấp thông tin. 

Thứ hai, các bên tiếp tục đàm phán và đi đến giao kết HĐTD. Trường hợp này HĐTD hình thành nhưng trong quá trình thực hiện khách hàng mới phát hiện ra việc TCTD có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của khách hàng nhưng không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin đó. Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 387 BLDS 2015 "Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Có thể thấy, quy định này chỉ ghi nhận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng gây thiệt hại mà không quy định rõ hợp đồng có vô hiệu hay không. Vì vậy, cần hiểu Điều 378 theo hướng hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ dẫn đến hợp đồng vô hiệu nếu hành vi vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015, cụ thể là vi phạm sự tự nguyện trong xác lập giao dịch dân sự (điểm b khoản 1 Điều 387). 

Từ đây xảy ra hai khả năng:

(i) hành vi không cung cấp thông tin của TCTD không vi phạm sự tự nguyện trong xác lập giao dịch dân sự, do đó chỉ đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu có thiệt hại xảy ra do chính hành vi vi phạm này, bên không có thông tin vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng;

(ii) hành vi không cung cấp thông tin của TCTD đồng thời là hành vi vi phạm sự tự nguyện trong xác lập giao dịch dân sự  quy định tại điểm b khoản 1 Điều 387.  Trong trường hợp này, bên không được cung cấp thông tin phải chứng minh hành vi không cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng là hành vi nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam, Tòa án đã vận dụng các quy định về hợp đồng vô hiệu do lừa dối để tuyên vô hiệu một số hợp đồng mà một bên cố tình không cung cấp thông tin cho bên kia.

Từ góc độ pháp luật so sánh, với cách giải quyết như trên có thể thấy giải pháp của Tòa án Nhân dân tối cao đã đưa pháp luật Việt Nam gần gũi với pháp luật Pháp. Thực vậy, theo pháp luật Cộng hòa Pháp,  hợp đồng đã được xác lập nhưng có sự “đồng ý khiếm khuyết” do lừa dối thì bị Tòa án tuyên hủy hợp đồng vô hiệu kèm theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (nếu có thiệt hại thực tế xảy ra).

 Nếu vẫn còn vướng mắc một trong những vấn đề nêu trên, Bạn vui lòng liên hệ tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG MIỄN PHÍ 1900 088 826  để các Luật sư tư vấn hỗ trợ giải quyết.

(Trân trọng!) Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật Minh Hoàng.

 

Đánh giá:

(5/5) - 13 lượt đánh giá

Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?

DANH MỤC
BÀI VIẾT NỔI BẬT
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang trực tuyến: 4

Hôm nay: 276

Hôm qua: 200

Tất cả: 262188