Luật Hoàng Minh
Luật Hoàng Minh

Cách tính theo trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật

10/09/2020admin0Bình luận

Cách tính theo trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật

 

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, tôi làm việc tại công ty A từ tháng 8 năm 2011 đến nay, do công ty thay đổi công nghệ sản xuất, công ty không thể bố trí được việc làm cho tôi và phải chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi được công ty A tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1 năm 2012. Xin Luật sư tư vấn tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không và hướng dẫn tôi cách tính trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Hoàng. Theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi nghiên cứu và trả lời như sau.

Căn cứ theo Điều 48 của Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau:

-Khi hết hạn hợp đồng lao động

-Khi đã hoàn thành công việc theo hợp đồng

- Khi người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra để được hưởng trợ cấp thôi việc, người lao động còn phải đáp ứng điều kiện là đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Trong trường hợp này công ty A do thay đổi công nghệ sản xuất không thể sắp xếp được việc làm cho anh buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Anh đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đã làm việc thường xuyên trên 12 tháng tại công ty A. Do đó anh đủ điều kiện để công ty trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

 

Cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất 

Căn cứ Điều 48, Bộ luật lao động 2012 quy định việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương với công thức tính trợ cấp thôi việc như sau:

Tiền trợ cấp thôi việc  = ½  x  Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc  x  Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc 

Trong đó:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc trước đó.

Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việ hoặc mất việc làm.

Tiền lương căn cứ tính trợ cấp thôi việc không bao gồm các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặ không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động. Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ câp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Trên đây là cách tính trợ cấp thôi việc theo quy định. Do bạn không cung cấp số tiền lương nên chúng tôi không có số liệu để tính chính xác được.

Nếu bạn vẫn còn vướng mắc một trong những vấn đề nêu trên hãy gọi ngay tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG MIỄN PHÍ 1900 088 826  để các Luật sư tư vấn hỗ trợ giải quyết.

(Trân trọng!) Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật Minh Hoàng.

 

 

Đánh giá:

(5/5) - 17 lượt đánh giá

Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?

DANH MỤC
BÀI VIẾT NỔI BẬT
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang trực tuyến: 7

Hôm nay: 108

Hôm qua: 191

Tất cả: 266949